Người DakLak

Dân cư ở Đắk Lắk, nếu mà bảo là dân chính gốc thực sự (người bản địa) thì chỉ có người dân tộc thiểu số. Tất cả người Kinh đều là dân từ miền khác đến. Họ đến Đắk Lắk vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như thế hệ ông bà mình lên cao nguyên sau giải phóng để xây dựng kinh tế mới, ba mẹ của đứa bạn mình lại tham gia vào chiến dịch Tây Nguyên rồi ở lại cao nguyên từ đó. Sau này khi việc trồng cây cà phê mang lại lợi nhuận cao, dần dần người Kinh từ khắp các vùng miền đổ về Đắk Lắk. Thế nên cuộc sống thường nhật của người dân quê mình, dưới con mắt của một đứa lắm chuyện thì có rất nhiều điều thú vị, nhất là từ khi mình rời Đắk Lắk thân yêu để vào TP. Hồ Chí Minh học tập.

Cái thú vị đầu tiên là giọng nói. Người thành phố Hồ Chí Minh nói giọng miền Nam (đương nhiên rồi), tuy cũng có nhiều người nói giọng miền Bắc nhưng cái sự phân biệt giọng Bắc-Nam rất rõ ràng. Người miền Trung thì phần lớn vẫn nhận ra được giọng của họ tuy đã sống ở đây rất nhiều năm.

Còn ở Đắk Lắk, nếu những người di cư sống tập trung thành từng vùng thì cả người lớn lẫn trẻ con vẫn giữ được giọng nói của quê hương họ. Điển hình là trong hội đồng hương mình có rất nhiều người gốc Nghệ An – Hà Tĩnh vẫn nói giọng rất đặc trưng. Mà đó chỉ là thiểu số thôi, phần lớn thì người cùng quê đã không sống gần nhau lâu rồi, họ sống rải rác khắp nơi trên đất Đắk Lắk, và tiếng nói gốc gác của họ cũng phai nhạt dần. Lớp trẻ 8X ở Đắk Lắk nói một âm giọng rất… thú vị. Đó là giọng miền Bắc và pha lẫn cả chút Trung-Nam trong đó. Phần lớn người Đắk Lắk bị nhầm là người miền Bắc (mình đã gặp nhiều rồi), nhưng nhờ thế mà tiếng nói của chúng ta khá dễ nghe, Bắc-Trung-Nam, khắp mọi miền đều có thể hiểu “tiếng Đắk Lắk”.

Điều thú vị tiếp nữa là tên gọi của các loại thực phẩm, trái cây, đồ dùng, vật dụng,… nói chung là những thứ bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Bạn gọi trái “apple” là gì? Miền Bắc gọi nó là “Táo”, miền Nam bảo nó là “Bom”, thậm chí mấy bạn miền Tây còn gọi nó là “Bơm” thì phải.
Miền Nam cãi “Nếu gọi là Táo thì sao phân biệt được apple và Táo ta (quả nho nhỏ màu xanh có vị chua ngọt)?”
Miền Bắc bảo “Thì cứ gọi là Táo ta và Táo tàu”
Miền Nam: “Rắc rối!”.
Thế là Đắk Lắk chúng ta kết luận “Gọi nó là gì cũng được, ai cũng hiểu và phân biệt được mình đang nói về trái gì mà”.
Đoạn hội thoại trên là có thật và trích dẫn từ một vụ tranh luận diễn ra ở trường mình vào năm 2006.

Suy luận và thực tế cho thấy công thức trên áp dụng đúng cho cả trái Dứa-Thơm-Khóm, trái Na-Mãng cầu-Mãng cầu ta- Mãng cầu xiêm gì gì đó, Đậu hũ-Tàu hũ- Đậu khuôn, cái Đĩa-Nĩa-Dĩa… ti tỉ thứ khác, chứng tỏ ngôn ngữ và từ vựng ở Đắk Lắk mình rất đa dạng và phong phú! Miền này không hiểu miền kia nói gì, nhưng Đắk Lắk chúng ta thì hiểu gần hết.

Nói tiếp chuyện thực phẩm. Vì dân cư nhiều vùng miền tụ họp về Đắk Lắk nên chúng ta có may mắn nếm qua rất nhiều loại thực phẩm của các miền. Từ Bắc vô Nam, loại bánh trái gì ở Đắk Lắk cũng có. Tuy không phong phú bằng Sài Gòn nhưng được cái rẻ và ngon!

Bún đỏ – một trong những mói "khoái khẩu" của teen BMT

Giới trẻ Đắk Lắk còn có sở thích kỳ lạ là phịa chuyện về quê hương. Khi được hỏi về Đắk Lắk, chúng ta thường kể như thế này: người ta sống ở nhà sàn, nuôi gia súc ở dưới nền nhà, con gái mặc váy, con trai thì đóng… khố, đi học bằng voi. Đến trường thay vì có nhà để xe cho học sinh thì có gara cho voi… (tổng hợp từ nhiều nguồn truyền miệng) câu chuyện này mà được 2 – 3 người kể, kẻ tung người hứng mà vẽ hoa lá cành thêm mắm thêm muối vào thì người đồng bằng cứ gọi là… mắt chữ A mồm chữ O tin sái cổ. Biết đâu, qua những câu chuyện phịa 101% này mà Đắk Lắk chúng ta trở nên lạ lẫm, thú vị, bí ẩn, kỳ vĩ hơn trong mắt người ngoại tỉnh?

Tuy có giọng nói dễ nghe nhưng đồng hương Đắk Lắk nào cũng có thể nhận ra nhau bằng giọng nói. Vậy thì đặc trưng gì để khẳng định: mình là người Đắk Lắk? Mình nghĩ đó là CÁ TÍNH. Người Đắk Lắk thường có chung một tính cách: rất hài hước, nói nhiều, tưng tửng, thích đùa và thích cười. Không biết cái đặc trưng chung đó tại sao mà hình thành, phải chăng tại chúng ta sinh ra và lớn lên trên mảnh đất màu đỏ hoang sơ với nhiều huyền thoại, cùng với những người dân bản địa là người con chính gốc của núi rừng, nên trong mỗi người Đắk Lắk chúng ta đều đã ngấm vào máu cái “hương vị” hoang dã nguyên sơ mạnh mẽ mà cởi mở thân thiện của cao nguyên?

Và khi được hỏi mình là người ở đâu, hãy tự hào “Tôi đến từ Đắk Lắk”!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *